roi-bo-dai-tu-su-nhin-lai-giai-doan-thay-doi-tam-nhin-cua-nguoi-viet

Rời bỏ “đại tự sự”, nhìn lại giai đoạn thay đổi tầm nhìn của người Việt

VietTimes – Buổi tọa đàm “Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ” diễn ra sáng ngày 20/1/ 2019 đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về doanh nghiệp và công nghiệp vùng đất Nam bộ trong giai đoạn thay đổi tầm nhìn của người Việt.

Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu độc lập Cuộc tọa đàm với sự tham gia của hai diễn giả TS. Nguyễn Đức Hiệp và TS. Nguyễn Thị Hậu đã hé lộ nhiều góc nhìn thú vị về nguồn gốc của những ngành công nghiệp và doanh nghiệp tại Sài Gòn và miền Nam Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 19 đến trước năm 1945. TS. Nguyễn Thị Hậu đánh giá: “Những sự kiện lịch sử qua con mắt của những nhà nghiên cứu độc lập như TS. Nguyễn Đức Hiệp được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, phong phú và đa ngành, bao quát nhiều lĩnh vực xã hội, kinh tế chứ không chỉ là sự kiện lịch sử nên rất sống động, khiến các nhà nghiên cứu trong giới chuyên môn phải nể phục”. “Giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến trước 1945 là giai đoạn thay đổi tầm nhìn của người dân Việt Nam, rất lý thú” – TS. Nguyễn Đức Hiệp nói. Dưới thời Pháp thuộc, Sài Gòn-Chợ Lớn là trung tâm kinh tế, kỹ nghệ và thương mại ở Nam kỳ. Trong thời gian đầu, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nền kinh tế chủ yếu dựa vào lúa gạo, cao su, các nông phẩm; các dịch vụ xây dựng và giao thông dựa vào đường thủy, đường sắt nối thị trường Nam kỳ, Cam Bốt với các nước. Những năm đầu khi Pháp đặt chân đến Sài Gòn và Sài Gòn trở thành cảng thương mại tự do, rất nhiều công ty thương mại Tây phương đã có mặt ở Viễn Đông từ trước như Hồng Kông, Manila, Singapore, Yokohama. Các công ty này nhanh chóng đến thiết lập cơ sở ở Sài Gòn với thị trường mới là Nam kỳ mà khách hàng đầu tiên là chính quyền Pháp và đoàn lính viễn chinh có nhu cầu tạo lập cơ sở vì thế cần nhiều dịch vụ cung cấp. Ở Sài Gòn, các công ty tư nhân lúc ban đầu nhắm vào dịch vụ hàng hải và xây cất cơ sở cho chính quyền Pháp đang cần để thiết lập bộ máy cai trị. Chính sách phát triển kinh tế của Pháp ở Đông Dương chỉ được thể hiện rõ dưới thời Toàn quyền Paul Doumer vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Chính sách của ông Doumer là sáp nhập các xứ Đông Dương vào một khối kinh tế phát triển liên đới với nhau và không còn phụ thuộc trợ cấp từ chính quốc. Để thực hiện điều này, chính quyền thuộc địa Đông Dương cần phải có tư bản đầu tư vào phát triển trước nhất cơ sở hạ tầng giao thông như đường hỏa xa, đường thủy nối các xứ với nhau. Chính sách nhà nước độc quyền sản xuất và buôn bán rượu, thuốc phiện và muối để tăng nguồn thu cho ngân sách trung ương và qua đó thu hút được tư bản từ Pháp mua trái phiếu Đông Dương để phát triển.