nam-ky-vien-chinh-ky-1861-cuoc-chinh-phat-trong-mat-dai-uy-phap

Nam Kỳ viễn chinh ký 1861: cuộc chinh phạt trong mắt Đại úy Pháp

TTO - Bạn đọc yêu lịch sử vừa có cuộc tọa đàm thú vị tại Đường Sách TP.HCM với hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến vào chiều muộn ngày 12-5 xoay quanh quyển sách 'Nam Kỳ viễn chinh ký 1861'.

TTO - Bạn đọc yêu lịch sử vừa có cuộc tọa đàm thú vị tại Đường Sách TP.HCM với hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến vào chiều muộn ngày 12-5 xoay quanh quyển sách 'Nam Kỳ viễn chinh ký 1861'.

Chương trình thuộc khuôn khổ nội dung của Những ngày sách văn học châu Âu lần thứ IV tại TP.HCM.

Đây cũng là trường hợp đặc biệt của chuỗi sự kiện này, vì Nam Kỳ viễn chinh ký 1861 (Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861) là một quyển bút ký chiến trường, phi tiểu thuyết và gần với dạng ghi chép tư liệu hơn của Léopold Pallu (bản dịch của Thanh Thư).

Tác giả là một đại úy hải quân, trực tiếp tham chiến tại cuộc chiến Nam Kỳ năm 1861. Những ghi chép tại hiện trường của ông được gửi về Pháp đăng báo thành từng kỳ, và ba năm sau xuất bản thành sách (bản in đầu tiên năm 1864).

Bản dịch lần này dựa trên bản in năm 1888, là lần tái bản có chỉnh sửa của chính tác giả chỉ 3 năm trước khi ông qua đời.

Chính vì là người trong cuộc nên những ghi chép của Pallu có độ chi tiết khi tường thuật chiến sự, có cách nhìn nhận đánh giá tương quan lực lượng giữa hai bên từ cự ly gần; và quan trọng là dưới góc quan sát của một Pallu, một số chi tiết về đời sống văn hóa xã hội của "phía bên kia", tức xã hội Nam Kỳ/Gia Định lúc bấy giờ, được ghi nhận.

Cuốn sách ra đời theo bước tiến của đoàn quân xâm lược gồm lính Pháp và Tây Ban Nha vào năm 1861 (hạ đồn Chí Hòa chỉ trong một ngày 24 tháng 2).

Đây là lần thứ hai Pháp đánh Nam Kỳ và chiếm giữ luôn chứ không phải cuộc tiến đánh vốn được ghi nhận là lần đầu tiên diễn ra trước đó 2 năm (1859).

Tại cuộc tọa đàm, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại diễn biến của việc quân Pháp từ Đà Nẵng tiến đánh Nam Kỳ năm 1859, sau đó Nguyễn Tri Phương được điều vào củng cố đại đồn Chí Hòa để chống Pháp.

Theo hình dung của ông Lê Nguyễn, đồn Chí Hòa vốn "trải dài từ chợ Hòa Hưng đến quá ngã tư Bảy Hiền ngày nay, với một đồn tiền chính, và hai đồn tả, hữu cách đồn tiền cự ly 400 m".

Trở lại quyển Nam Kỳ viễn chinh ký 1861, người đọc sẽ tìm thấy chi tiết các trận đánh, và sự thực về việc đại đồn Chí Hòa thất thủ chỉ trong một ngày trước sức tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha được phân tích và lý giải cụ thể trong các thông tin về cơ cấu binh lính, sĩ quan, trình độ chiến đấu và sức mạnh của vũ khí...

Thậm chí, tác giả còn dành một chương (IX) để khảo cứu về: Diện mạo người An Nam, Các đặc tính tinh thần, Chế độ phụ quyền, là những ghi nhận sớm sủa của một người Pháp "rút ra" từ cuộc "điền dã" có một không hai với dân Việt bản địa lúc bấy giờ.

Về giá trị sử liệu của quyển sách, PGS.TS Trần Nam Tiến mặc dù cho rằng những nhận định thể hiện quan điểm của tác giả Léopold Pallu có thể xem là cơ sở để các nhà nghiên cứu tham khảo, nhưng ông thừa nhận đây là một phần quan trọng trong số các thông tin mà sử liệu nhà Nguyễn đương thời còn thiếu khuyết. Vì trong chiến tranh, triều đình Huế khó có thể tiếp cận các số liệu của Pháp, mặc dù có liên quan mật thiết đến Việt Nam.

Rất đông bạn đọc đã đến và ở lại tận cuối buổi tọa đàm để được hỏi các diễn giả những vấn đề lịch sử quan tâm. Nhiều ý kiến muốn được chia sẻ cách đánh giá về đường lối hành xử của nhà Nguyễn trước họa xâm lăng từ phương Tây; có bạn đọc muốn tìm biết sâu hơn về sự chia rẽ giữa phe thân phương Tây và phe thân nhà Thanh trong triều đình Huế lúc bấy giờ...