(TBKTSG) - Quyển sách Thiếu tiền - Văn hóa tiêu tiền trong các gia đình xuyên quốc gia với mức thu nhập thấp của Giáo sư xã hội học Thái Cẩm Hưng (ở Pamona College, thuộc Claremont Graduate University, Mỹ) vừa ra mắt độc giả Việt Nam vào trung tuần tháng 5-2019, với bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Dương Hiếu, Lại Tú Quỳnh, Lương Ngọc Phương Anh. Đây là một công trình nghiên cứu xã hội học định tính xuất sắc, sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, quan sát tham dự và lý thuyết cơ sở, được thực hiện trong thời gian bảy năm (2004-2011) tại TPHCM.
Công trình này tìm hiểu cách gửi tiền và chi tiêu tiền của người di dân Việt Nam (mà chúng ta thường gọi là Việt kiều) có thu nhập thấp tại Mỹ.
Có hai câu hỏi chính mà công trình này đặt ra. Câu hỏi thứ nhất là vì sao những người di dân Việt Nam tại Mỹ là nhóm người Mỹ gốc Á ít thành công nhất, có trình độ học vấn thấp nhất và làm ra ít tiền nhất so với các nhóm dân Mỹ gốc Á khác như Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản hay Ấn Độ, nhưng lại là nhóm có tỷ lệ gửi tiền về quê hương nhiều nhất (khoảng 60%).
Câu hỏi thứ hai là tại sao những người Việt nhập cư ở Mỹ có nghề nghiệp khá bấp bênh, thu nhập tương đối thấp những vẫn dành ra một phần đáng kể thu nhập của mình (15-20%) để đều đặn gửi về Việt Nam cho thân nhân, và khi về nước du lịch hay thăm thân nhân, họ không ngần ngại tiêu tiền một cách thoải mái cho các nhu cầu cá nhân vốn là những thứ chi tiêu mà họ chưa bao giờ dám thực hiện khi ở Mỹ.
Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, đó là vì những quy tắc ngầm trong ứng xử gia đình ở những gia đình xuyên quốc gia (các gia đình có Việt kiều) đã sản sinh ra sự “tiền tệ hóa” (monetarization) các mối quan hệ một cách thường xuyên và phổ biến: đã là Việt kiều thì phải gửi tiền giúp đỡ thân nhân trong nước.
Đó cũng là điều khiến nhiều người Việt ở Mỹ phải đối mặt với sự căng thẳng và lo lắng về việc họ không có khả năng gửi tiền cho thân nhân, gia đình ở quê nhà. Dù vậy, họ vẫn phải gửi tiền dù đôi khi họ biết gia đình tiêu xài hoang phí, bởi đó là cách để người thân trong gia đình họ không phải lo lắng, hoặc đơn giản là điều đó giúp họ tự hào mình đã đạt được “giấc mơ Mỹ”.
Có nghĩa là, nền tảng tình cảm trong các gia đình xuyên quốc gia được xây dựng phần nào dựa trên tiền bạc. Việc gửi tiền về cho thân nhân là cách biểu lộ tình thương của người di dân Việt Nam đối với gia đình và thân nhân ở trong nước. Nhân phẩm, cảm giác thương yêu gia đình, cảm giác thành đạt là những gì người di dân Việt Nam tìm thấy khi giúp đỡ thân nhân ở quê nhà.
Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã dựa vào lý thuyết “tiêu thụ bù” (compensatory consumption) của David Caplovitz. Những Việt kiều thu nhập thấp nhưng chi tiêu xa hoa cho hàng hóa cùng những thú vui khi về nước vì đây là kiểu tiêu thụ “định hướng địa vị”. Do ở Mỹ, họ không thể có địa vị thông qua những con đường truyền thống như với bằng cấp đại học hay một công việc ổn định và danh giá, khi về nước, sự chi tiêu quá mức là nhằm chối bỏ địa vị thấp kém của họ ở Mỹ và để đạt được sự tôn trọng nơi thân nhân tại quê nhà.
Công trình này của Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã nhận được giải thưởng “Sách hay nhất năm 2015 về châu Á” của Hội Xã hội học Mỹ và giải thưởng “Sách hay nhất 2016 về khoa học xã hội” của Hội Nghiên cứu người Mỹ gốc Á.
Lê Minh Tiến