Khi đề cập đến việc sụp đổ của Lê triều cuối thế kỷ XVIII hầu hết các sử gia đều cho rằng việc vua Lê cầu viện Trung Hoa đem quân sang Đại Việt là nguyên nhân chính yếu. Việc nhờ vả ngoại bang lấy lại nước cho mình đã truất đi cái thiên mệnh đế vương.
Thế nhưng sự việc không phải chỉ có thế mà còn ẩn giấu những lý do sâu xa hơn. Sử Việt Nam đương thời - đúng ra là sử quan triều Nguyễn - trong nỗ lực chính thống hóa việc vua Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế đã tìm cách hạ thấp không chỉ đối thủ của ông là Tây Sơn mà còn phi nghĩa hóa cả triều Lê, triều đại trước đây vẫn được làm chỗ dựa tinh thần khi chúa Nguyễn còn đang bôn ba phục quốc, cần tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Bắc Hà. Cho tới năm Nhâm Tuất [1802], Nguyễn Phúc Ánh vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng trên mọi văn thư chính thức.
Việc hợp thức tân triều đạt được nhiều kết quả nên gần như suốt thế kỷ XIX, cựu triều bị lãng quên, chỉ còn âm ỷ ẩn sâu trong tâm khảm một số nhà nho hoài vọng nước cũ. Lê triều thì ít nhiều còn được nhắc đến, Tây Sơn hầu như hoàn toàn bị cấm kỵ. Nếu đôi khi được đề cập, hình ảnh duy nhất còn sót lại là chiến thắng Kỷ Dậu [1789], còn niên hiệu Cảnh Thịnh, tuy kéo dài gần 10 năm, thì không mấy ai nhớ tới. Giới sĩ phu coi triều Nguyễn là tiếp nối chính thức của triều Lê theo thứ tự Đinh, [Tiền] Lê, Lý, Trần, [Hậu] Lê, Nguyễn. Còn những thời kỳ ngắn ngủi xen kẽ như triều Hồ, Mạc hay Tây Sơn chỉ là những ngụy triều. Riêng Tây Sơn thì triều đình Nguyễn làm như họ không tồn tại trong lịch sử mà chỉ là một đám giặc lớn bạo phát bạo tàn nổi lên nhưng sau đó bị chúa Nguyễn đánh dẹp.
Cứ như lẽ thường, nhà Lê chấm dứt khi vua Chiêu Thống bỏ nước bôn đào và vua Quang Trung đủ danh chính ngôn thuận để mở ra một triều đại mới. Không những Nguyễn Huệ là quốc trưởng đứng đầu cơ cấu hành chính và quân sự, ông cũng được nhà Thanh công nhận một cách chính thức, nếu không nói rằng còn rực rỡ hơn vua chúa mấy trăm năm triều Lê.
Dẫu vậy, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bộ sử lớn của nhà Nguyễn, vẫn úp mở tiếp tục coi nhà Lê còn tồn tại trên hình thức một triều đình lưu vong cho đến khi vua Gia Long lên ngôi. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 47) chỉ chép đến thời điểm nhà Lê chấm dứt:
Nhà Lê trên đây từ Thái Tổ, Mậu Tuất, năm thứ 1 [1418] đến Chiêu Tông, năm Bính Tuất, Quang Thiệu thứ 11 [1526] cộng 9 đời vua gồm 109 năm. Phụ vào đó, Mạc Đăng Dung 3 năm, Đăng Doanh 3 năm, Hậu Lê từ Trang Tông, năm Quý Tỵ, Nguyên Hòa thứ 1 [1533] đến Mẫn Đế năm Kỷ Dậu, Chiêu Thống thứ 3 [1789], cộng 16 đời vua, gồm 257 năm, tổng cộng tất cả là 372 năm.
Việc chép sử với thiên kiến như thế khiến khoảng hơn 12 năm (1789-1802) - thời gian nhà Lê đã qua đi nhưng vua Gia Long chưa chính thức lên ngôi hoàng đế - bị gián đoạn. Để trám vào chỗ trống, Khâm định Việt sử thông giám cương mục tường thuật những dật sự về nhóm người lưu vong ở Trung Hoa, những khắc bạc của Thanh triều cho đến khi vì sự độ lượng của tân triều mà hài cốt vua Lê được đem về táng ở Thanh Hóa năm Giáp Tý [1804].
Chính vì một giai đoạn bị bỏ qua và triều đình liên tục tìm cách xóa đi những tàn tích nên khi cần nối lại dòng lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu đã phải mượn tài liệu thứ cấp, đa số do người từ bên ngoài chính quyền, không trực tiếp đóng một vai trò nào trong cơ cấu hành chính. Những phục dựng ấy không khỏi bị pha trộn một cách tùy tiện nhiều quan điểm chủ quan, nảy sinh những chi tiết không thể nào kiểm chứng được.
Trong chiều hướng mới, để tìm lại một giai đoạn “khuyết sử”, chúng ta phải dựa vào nhiều nguồn khác nhau từ các khu vực riêng rẽ. Trong cùng một thời điểm, trên giải đất nước Việt Nam hiện diện nhiều thế lực địa phương không đồng bộ mà đầy mâu thuẫn, thế lực nào cũng tìm cách liên minh với bên ngoài để gia tăng sức mạnh.
Ở Gia Định, chúa Nguyễn Ánh liên kết hàng ngang với triều đình Chân Lạp, Xiêm La, những cộng đồng di dân và những quốc gia ở xa hơn, đáng kể là các nước Tây phương đã thành lập đầu cầu ở Macao, Manille và nhiều vùng phụ cận. Đến thế kỷ XVII, một số đông người Trung Hoa xuống phương Nam lập nghiệp, tạo thành nhiều khu vực Hoa kiều ở khắp mọi nơi, duy trì gắn bó bằng tiếng nói, bằng tín ngưỡng, phong tục và sinh hoạt theo lối riêng của họ. Ở Xiêm La, nhiều dòng quý tộc địa phương có nguyên thủy từ Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông. Ở Việt Nam, các khu vực Hà Tiên, Gia Định cũng có nhiều nhóm thế lực và thương nhân Minh hương ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến biến chuyển chính trị. Một số không nhỏ người thân cận của chúa Nguyễn có nguồn gốc Trung Hoa. Ngoài ra, quan trọng không kém, các phái bộ truyền giáo từ phương Tây cũng mở ra một mạng lưới chằng chịt, rộng lớn khắp cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, luôn luôn tìm cách tạo ảnh hưởng với triều đình ngõ hầu được dễ dãi trong việc giảng đạo.
Ở Bắc Hà, triều đình Tây Sơn cũng chinh phục những nhóm thiểu số phía tây ở Vạn Tượng, Trấn Ninh và chuẩn bị vươn dài tới Miến Điện để chống với liên minh Xiêm La/Gia Định nhưng chưa đi được xa. Triều đình Tây Sơn cũng tạo được giao thiệp mật thiết với Trung Hoa, tuy thực tế danh nhiều thực ít.
Sự liên kết hàng dọc đó khiến Trung Hoa áp dụng hai đường hướng cụ thể:
1. Trên mặt đối ngoại, họ ve vãn và công nhận vua Quang Trung, giao tình càng chặt sau chuyến đi của phái đoàn Tây Sơn sang Bắc Kinh năm Canh Tuất [1790]. Ngoài việc đón tiếp nồng nhiệt và quà cáp vượt mức thường, những đặc ân vô tiền khoáng hậu của vua Càn Long đối với vua Quang Trung đã nâng cấp Đại Việt lên hàng sủng phiên trong các vệ tinh xung quanh nước tông chủ.
Về thương mại, triều đình Trung Hoa cho mở lại những cửa ngõ thông qua biên giới và công nhận Đại Việt toàn quyền kiểm soát các trục lộ hàng hải ở vùng biển phía nam, đóng vai trò phên giậu cả trên bộ lẫn trên biển theo đúng mô hình đồng tâm trong chính sách ki mi. Triều đình Tây Sơn cũng tương kế để tạo thành một đầu cầu thương mại làm trung gian cho những quốc gia nào muốn buôn bán với Trung Hoa.
Nhân đà thắng thế, vua Quang Trung vươn dài ra biển cả, bành trướng thế lực như một tiểu bá trong khu vực. Rủi ro thay, những lần thân chinh cầm quân nơi rừng núi Hạ Lào khiến Nguyễn Huệ mắc bạo bệnh qua đời khi ông chưa đầy 40 tuổi và cơ nghiệp nhanh chóng suy bại vì nội bộ xâu xé nhau.
2. Về đối nội, chính sách đối với những người thất thế chạy sang Trung Hoa làm nổi bật sự trăn trở và mặc cảm của Thanh triều về thất bại quân sự. Khi đưa quân sang Đại Việt, chiêu bài “nhân nghĩa” được vua Càn Long nêu cao như một nhiệm vụ cơ bản đối với thuộc quốc. Tuy nhiên, đạo lý tông phiên cũng có giới hạn và khi cảm thấy nguy cơ bị sa lầy thì họ liền chuyển sang một hướng khác có lợi hơn.
Nhằm giữ thể diện nước lớn, nhà Thanh bỏ rơi vua Chiêu Thống và vô hiệu hóa những người đi theo để lấy lòng triều đình Tây Sơn. Chính sách an tháp của Trung Hoa không nhằm tỏ lộ sự thể tuất [thương xót] những người trước đây đã thần phục mình mà chính là để giải thích cho xuôi vai trò của họ:
- Thu nhận những người chạy qua, tùy theo từng thành phần chia ra mỗi nơi một ít, vừa khiến cho địa phương dễ dàng giải quyết, vừa gia tăng tốc độ đồng hóa và hội nhập. Chỉ một thời gian ngắn, hầu hết nhóm nhà Lê đã có thể tự tồn như bất cứ người dân bình thường nào trên đất Trung Hoa.
- Bắt họ phải gióc tóc đổi áo theo tập tục Mãn Thanh, chấm dứt các hoạt động chống lại Tây Sơn. Vua Càn Long cũng sai Phúc Khang An đưa phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đến gặp vua Lê [nay đã ăn mặc y phục Mãn Thanh] để minh xác nay không còn yểm trợ họ nữa.
- Khi vua Quang Trung sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ, vua Càn Long cũng thỏa hiệp để đưa về bản quán những ai cam kết không tiếp tục chống phá tân triều, mặt khác yêu cầu triều đình Tây Sơn đưa thân nhân muốn đoàn tụ với gia đình sang Trung Hoa.
- Khi vua Lê và cận thần không bằng lòng với những giải pháp ấy và yêu cầu triều đình Trung Hoa đòi Tây Sơn cắt một tỉnh thượng du cho Lê triều làm nơi hương khói tổ tiên [tương tự như nhà Minh trước đây ép nhà Lê cắt Cao Bằng cho nhà Mạc], vua Càn Long đã nổi giận, đày họ ra sa mạc Tân Cương, Mông Cổ. Những ai không chịu cắt tóc, thay áo thì cấm cố trong ngục bằng cái án bất tuân.
Mọi việc chỉ thay đổi khi có những biến chuyển chính trị ở cả Trung Hoa lẫn Đại Việt.
Ở Trung Hoa, khi vua Gia Khánh lên kế vị, ông đã đảo ngược chính sách đối ngoại của vua cha (Càn Long) và nhiều khó khăn nội trị khiến ông không còn thiết tha với chính sách can thiệp vào các tiểu quốc phía nam.
Ở Bắc Hà, triều đình Tây Sơn nay phải đối phó với những nguy hiểm gần kề, từ bất ổn bên trong đến áp lực bên ngoài mỗi lúc một thêm chồng chất nên bang giao Thanh-Việt cũng không còn mặn mà như trước nữa. Những chi phí quân sự càng lúc càng lên cao khiến vai trò phòng thủ mặt biển cũng mất đi hiệu quả và lực lượng Tây Sơn chỉ còn thu hẹp vào các phòng tuyến trên đất liền.
Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lấy lại Phú Xuân, trong cơn tuyệt vọng vua Cảnh Thịnh [Tây Sơn] cố gắng tìm một lối thoát sau cùng; đó là tìm sự bảo hộ của nhà Thanh, nếu không yểm trợ quân sự thì cũng giúp cho một nơi nương náu.
Tuy nhiên, triều đình chúa Nguyễn đã đi trước một bước và cho người đem sang Trung Hoa ấn, sắc của nhà Thanh ban cho triều đình Tây Sơn như một bằng chứng về thực lực yếu kém của họ đồng thời tố cáo việc họ dung dưỡng những đám giặc bể có nguồn gốc phạm pháp từ nội địa chạy qua.
Yêu nên tốt, ghét nên xấu, vua Gia Khánh từ chối không cho sứ thần Tây Sơn lên kinh đô triều kiến, lại ra lệnh đóng cửa quan để anh em Nguyễn Quang Toản không thể chạy sang. Nhận được dấu hiệu “đèn xanh”, vua Gia Long tiến thẳng ra Bắc thu phục nốt căn cứ sau cùng của Tây Sơn. Dân chúng cũng tự động bắt giữ vua Bảo Hưng [niên hiệu mới của Cảnh Thịnh] giải về Thăng Long, chấm dứt một vương triều ngắn ngủi.
Nhìn từ nhiều góc độ, chỉ trong một thập niên, các thế lực tranh bá đồ vương từ Nam Quan đến vịnh Xiêm La đã phát huy tất cả tiềm năng mong đạt được mục tiêu sau cùng. Những liên minh chồng chéo khiến việc phân tích, gỡ rối càng thêm phức tạp và phân định thù bạn, đúng sai, chính tà thật không đơn giản.
Trong tập hợp ngắn này, chúng tôi chỉ nhìn lại đời sống và sinh hoạt của những người lưu lạc ra bên ngoài, nay đã vô can với biến chuyển, đổi thay ở trong nước. Họ sống như thế nào? Nỗ lực của họ đi về đâu?
Vua Chiêu Thống sống và chết trong vòng kiềm tỏa của nhà Thanh. Người vợ trẻ xa chồng xa con sống lẻ loi trong một ngôi chùa chờ đón linh cữu cố quân về nước. Một bầy tôi bị đánh lừa sang Trung Hoa bị cầm tù hơn mười năm vì không chịu cắt tóc đổi áo. Đó là những góc tối của xã hội trong một giai đoạn đầy sóng gió, nhiễu nhương.
NGUYỄN DUY CHÍNH
--- (Trích Dẫn nhập, Lê mạt sự ký: Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Duy Chính, DT Books & Nxb Khoa học xã hội, 10/2016, tr. 13-18.) ---
Tác giả | Nguyễn Duy Chính |
Khổ sách | 15.5x23cm |
Số trang | 408 |
Bìa sách | Bìa mềm, tay gập |
Ngày xuất bản | 09/2023 |
Dịch giả | |
SKU | 8935207001180 |
Đăng nhập để được đánh giá!